Quá trình lành vết thương hở là gì? Có mấy giai đoạn trong quá trình lành thương?

Quá trình lành vết thương hở trải qua 3 giai đoạn, từ lúc cầm máu cho đến khi kéo da non. Đây là quá trình tự nhiên của da với hàng loạt phản ứng sinh học phức tạp, nhằm mục đích đưa da trở về trạng thái lành lặn như trước khi thương tổn.

Về cơ bản, quá trình liền thương của các vết thương hở đều diễn ra tương tự. Tuy nhiên, thời gian và chất lượng liền sẹo ở mỗi cá nhân có thể sẽ khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: cách xử lý và chăm sóc vết thương, mức độ tổn thương nặng hay nhẹ, tuổi tác… 

1. Quá trình liền thương là gì?

15% trọng lượng cơ thể là da – cơ quan có chức năng bảo vệ các bộ phận bên trong cơ thể khỏi sự xâm hại và tác động trực tiếp từ các yếu tố bên ngoài. Ở một người trưởng thành, tổng diện tích bề mặt da có thể từ 4m2 – 6m2.

Là “mặt tiền”, da cũng là cơ quan dễ bị tổn thương nhất nên cơ thể sẽ luôn kích hoạt cơ chế tự bảo vệ khi da gặp các dạng tổn thương như: rách da, trầy xước, vết thương phẫu thuật, vết thương thủng, vết thương lâu lành do bệnh mạn tính… 

Xét trên góc độ y khoa, quá trình lành vết thương hở là sự tương tác giữa các tế bào nhằm tái tạo biểu bì mới và mô da, giúp vết thương phục hồi và thiết lập lại chức năng rào cản của da. 

Vì thế, quá trình lành thương còn gọi là quá trình liền sẹo da. Và sẹo là kết quả của quá trình liền vết thương, với 2 loại chính:

  • Liền sẹo bình thường
  • Liền sẹo không bình thường (sẹo bệnh lý), gồm có: 
  • Sẹo lồi (keloid)
  • Sẹo phì đại (hypertrophic scar)
  • Sẹo lõm (atrophic scar)
  • Sẹo giãn (stretch marks)

Thông thường, vết thương cấp tính sẽ liền thương trong vòng 8 tuần trở lại. Riêng các vết thương mãn tính, quá trình phục hồi sẽ kéo dài hơn, kết quả cũng không toàn vẹn và các chức năng khó đạt được 100% so với trạng thái ban đầu.

2. Các giai đoạn chính của quá trình lành vết thương hở

Quá trình liền thương trải qua 3 giai đoạn chính theo thứ tự:

VIÊM – TĂNG SINH – BIỂU BÌ HÓA

Mỗi giai đoạn đều quan trọng đối với quá trình chữa lành vết thương. Nếu hiểu rõ từng giai đoạn, bạn có thể chăm sóc vết thương tốt hơn, rút ngắn thời gian liền thương và giảm nguy cơ nhiễm trùng hoặc để lại sẹo xấu.

  • Giai đoạn 1: Viêm

Viêm” là giai đoạn đầu tiên của quá trình lành vết thương hở, diễn ra ngay sau khi xuất hiện vết thương với mục đích: Cầm máu, làm sạch vết thương & tạo ra một hàng rào ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể thông qua vết thương hở, từ đó ngăn ngừa nhiễm trùng. 

Đây là giai đoạn rất quan trọng trong quá trình liền thương vì lúc này, hệ miễn dịch đang cố gắng bảo vệ vùng da bị tổn thương và giúp cơ thể tự chữa lành.

  • Thời gian diễn ra: từ vài giờ đến 4 ngày (trung bình khoảng 48 tiếng).
  • Các tế bào tham gia: tiểu cầu, bạch cầu trung tính, đại thực bào….
  • Biểu hiện tại vết thương: sưng, nóng, đỏ, đau, sốt.
  • Nhiệm vụ: cầm máu, làm sạch vết thương
  • Cơ chế hoạt động:

Khi xuất hiện vết thương, tế bào nội mô và mạch máu bị tổn thương gây chảy máu. Máu tiếp xúc với collagen dẫn đến đông máu. Cục máu đông này sẽ cầm máu và làm kín vết thương; đồng thời tạo ra một hoạt chất có khả năng thu hút các tế bào quan trọng khác di chuyển đến vị trí vết thương và tham gia vào quá trình chữa lành. Cụ thể: 

– Tiểu cầu: Tiết tế bào viêm tạo phản ứng viêm, kích hoạt nguyên bào sợi và tế bào nội mô.

– Đại thực bào: Làm sạch vết thương và chuẩn bị cho giai đoạn tăng sinh tế bào biểu mô thông qua việc tiêu diệt các mô hoại tử, vi khuẩn và vật lạ.

  • Giai đoạn 2: Tăng sinh / Lên mô hạt

Giai đoạn tiếp theo của quá trình lành thương là “tăng sinh” (còn gọi là “lên mô hạt”), là giai đoạn tái cấu trúc, phục hồi các khiếm khuyết ở vùng bị tổn thương. Ở giai đoạn này, các mạch máu mới và các mô liên kết mới sẽ bắt đầu hình thành nhờ sự tăng sinh của tế bào nội mô kết hợp cùng nguyên bào sợi. Kết quả là hình thành biểu mô nhằm che phủ bề mặt vết thương.

  • Thời gian diễn ra: từ 1-3 tuần hoặc lâu hơn.
  • Các tế bào tham gia: các nguyên bào sợi (Fibroblast) và các tế bào sừng (Keratinocytes).
  • Biểu hiện tại vết thương: hình thành vảy giống như “quả mâm xôi” trên bề mặt vết thương, xung quanh có màu đỏ, cảm giác ngứa tại vùng mép da quanh vết thương.
  • Nhiệm vụ: hình thành các mạch máu và mô mới để bù lại các tế bào, mạch máu bị tổn thương trước đó.
  • Cơ chế hoạt động: 

Nguyên bào sợi di chuyển bên trong vết thương, tăng sinh và tổng hợp chất nền ngoại bào (Extracellular Matrix – ECM), tương tác với tế bào sừng tạo mô hạt theo cơ chế: Phá hủy các protein và máu đông => Sản xuất collagen => Tổng hợp chất nền ngoại bào mới (ECM) giàu collagen, fibronectin và hyaluronic acid => Ổn định sắp xếp các mô hạt (từ ECM mới) => Kết hợp tế bào sừng làm đầy vết thương.

Quá trình tăng sinh sẽ diễn ra ở phần mép & phần phụ rồi mới tịnh tiến dần vào khu vực trung tâm vết thương. 

  • Giai đoạn 3: Biểu bì hóa

Biểu bì hóa là giai đoạn cuối cùng của quá trình lành vết thương hở, cũng là giai đoạn hình thành sẹo. Trong giai đoạn này, các mạch máu đã được phục hồi và bề mặt vết thương đã được che phủ bởi lớp da mới. Tuy nhiên, tính đàn hồi của da và chức năng của các mô chưa thể trở về trạng thái như ban đầu, mà vẫn không ngừng được hoàn thiện.

  • Thời gian diễn ra: khoảng 3 tháng đến 1, 2 năm.
  • Các tế bào tham gia: đại thực bào và nguyên bào sợi.
  • Biểu hiện tại vết thương: cảm giác ngứa nhẹ, khô bề mặt, miệng vết thương dần khép lại.
  • Nhiệm vụ: Khôi phục lại chức năng và tính toàn vẹn của mô.
  • Cơ chế hoạt động: 

Các tế bào biểu bì tăng sinh và di chuyển, giúp che phủ các mô mới. Song song đó, nguyên bào sợi sẽ phân hóa thành các mô sẹo, giúp tạo lực kéo các bờ mép thương lại và thu nhỏ vết thương. Giai đoạn này diễn ra liên tục trong vòng vài tháng cho đến 1, 2 năm thì vết thương mới lành lại và kết quả của cả quá trình liền thương chính là: SẸO.

Sẹo thiếu tuyến mồ hôi, nang lông, có màu sẫm, sờ vào thấy cứng hơn và thường nhô cao hơn so với bề mặt da bình thường. 

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lành thương

Ai cũng muốn quá trình lành vết thương hở diễn ra nhanh chóng để da sớm phục hồi và ít để lại sẹo xấu. Tuy nhiên, thời gian lành thương ở mỗi bệnh nhân có thể không giống nhau, mà ngắn hoặc dài hơn, tùy thuộc vào các yếu tố sau:

  • Yếu tố tại chỗ ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương hở

Vết thương bị tụ máu hoặc thiếu máu cục bộ

  • Mức độ nặng và loại tổn thương giập, đè nát…
  • Xử lý chậm trễ, nhiễm khuẩn vết thương
  • Kỹ thuật khâu không tốt; sử dụng dao điện không đúng cách, không đúng chế độ…

Yếu tố toàn thân có thể ảnh hưởng đến quá trình liền thương

  • Tuổi tác: Người trẻ thường phục hồi nhanh hơn người cao tuổi, do sự biến đổi của phản ứng viêm.
  • Căng thẳng: Lo âu, stress có thể làm chậm quá trình phục hồi của vết thương.
  • Thiếu dinh dưỡng: Quá trình lành thương cần đa dạng chất dinh dưỡng như protein, acid amin, carbohydrate, sắt, kẽm, đồng, vitamin, chất béo… Nếu thiếu hụt, quá trình liền thương sẽ bị chậm lại.
  • Béo phì: Làm chậm quá trình lành da và tăng nguy cơ biến chứng từ các vết thương phẫu thuật.
  • Hút thuốc: Tăng nguy cơ nhiễm trùng, làm chậm quá trình liền thương, dễ bị bục vết mổ và giảm độ đàn hồi của mô da.
  • Uống rượu: Chậm cầm máu, ảnh hưởng đến quá trình sản sinh collagen, phục hồi mô…
  • Các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc: Làm chậm quá trình lành vết thương hở do cản trở sự hình thành cục máu đông, hoạt động của tiểu cầu và phản ứng viêm. 

4. Lưu ý cần nhớ trong quá trình lành vết thương hở

Một số lưu ý dưới đây có thể giúp bạn tránh được sẹo xấu hoặc các biến chứng nhiễm trùng trong quá trình lành vết thương hở:

– Không bôi thuốc dân gian hoặc tự ý sử dụng các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ vì có thể gây biến chứng, nhiễm trùng vết thương.

– Tránh cử động, vận động quá mạnh hoặc quá nhiều để vết thương nhanh liền miệng. Tốt nhất là hãy tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, kết hợp nghỉ ngơi điều độ để tạo thuận lợi cho quá trình liền thương.

– Khi có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng mủ, nóng đỏ, đau nhiều ở vùng vết thương, người bệnh nên đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện để được thăm khám và xử lý kịp thời.

– Sau liền thương, da có thể bị thâm sẹo nếu quá trình chăm sóc vết thương không đúng cách hoặc tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ định.

– Trong những tuần đầu lành thương, không nên để lớp biểu bì mới tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Khi ra ngoài, bạn có thể sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 50 và che chắn cẩn thận vùng vết thương.

– Nên bôi kem dưỡng ẩm hằng ngày để nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh và “thư giãn” vết sẹo.

  • Giải pháp lành thương nhanh chóng, thay băng không đau

Để thúc đẩy quá trình lành vết thương hở diễn ra nhanh chóng hơn, bạn có thể cân nhắc sử dụng sản phẩm chăm sóc vết thương tại nhà của Urgo Medical.

Nếu các loại băng bình thường có thể làm tổn thương mô thứ cấp và gần như không có tác dụng chữa lành vết thương; thì ngược lại, các sản phẩm ứng dụng Công nghệ độc quyền Technology Lipido-Colloid (TLC) đã được chứng minh khả năng thúc đẩy quá trình liền thương với 3 ưu điểm:

– Tạo môi trường ẩm cung cấp các điều kiện tối ưu cho việc tăng sinh các tế bào trong giai đoạn liền thương, thúc đẩy sự hình thành mô hạt và biểu mô hóa

– Kích thích tăng sinh nguyên bào sợi & sản xuất collagen, hyaluronic acid giúp quá trình lành thương diễn ra nhanh chóng.

– Thay băng không đau và không gây tổn thương nền vết thương/mô hạt, giúp giảm thiểu thời gian chăm sóc vết thương.

Xem chi tiết về công nghệ độc quyền TLC của Urgo Medical TẠI ĐÂY. 

*Tài liệu tham khảo:

1- Report for the Minister of Social Security and the French Parliament on the progression in health insurance expenditure and revenue in 2014 (Law of 13 August 2004) – July 2013.

2- Bs Đào Đăng Linh, Khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng hợp, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện TWQĐ 108 

3- Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh – Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình – Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1 thought on “Quá trình lành vết thương hở là gì? Có mấy giai đoạn trong quá trình lành thương?”

Leave a Comment