Vết thương sau mổ là gì? Chăm sóc vết mổ đúng cách

Chăm sóc vết thương hậu phẫu đúng cách sẽ hạn chế tình trạng nhiễm trùng, giảm đau và tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Không chỉ vậy, việc chăm sóc vết mổ khoa học còn giúp vết thương mau lành và tránh được sẹo xấu. 

Trong bài viết này, Urgo Medical sẽ tổng hợp các kiến thức & nguyên tắc chăm sóc vết thương sau mổ tại nhà để giúp người bệnh mau chóng bình phục.

Chăm sóc vết thương hậu phẫu đúng cách sẽ đẩy nhanh quá trình lành thương

1. Vết thương sau mổ là gì? Có cần thiết phải giữ vết thương khô?

Vết thương sau mổ còn gọi là vết thương hậu phẫu, vết mổ. Đây là vết rạch, vết cắt lọc qua da được bác sĩ tạo ra trong quá trình phẫu thuật. Tùy theo loại phẫu thuật bạn đã thực hiện, kích thước của vết mổ có thể ngắn/dài khác nhau.

Để đóng vết thương và giúp quá trình liền thương diễn ra nhanh chóng, phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng, thông thường bác sĩ phẫu thuật sẽ chỉ định khâu vết thương bằng chỉ khâu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vết thương có thể không được khâu lại và cần được chăm sóc đúng cách theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Trong quá trình chăm sóc, trong vòng 24h đầu sau khi mổ, bạn cần giữ cho vết thương đã khâu không bị dính ướt. Do đó, trong ngày đầu tiên sau phẫu thuật, người bệnh không được tắm rửa như bình thường, mà chỉ nên dùng khăn vắt khô lau mình tại giường.

Sang ngày thứ hai, bạn vẫn cần hạn chế tắm rửa nếu cơ thể không bài tiết quá nhiều mồ hôi. Nếu cần thiết phải vệ sinh, hãy tắm nhanh dưới vòi hoa sen và che chắn kỹ vết thương hậu phẫu, tránh để nước hay xà phòng dính vào. Sau khi tắm xong phải lau khô nhẹ nhàng vùng xung quanh vết thương với khăn sạch và thay băng vết mổ.

*Lưu ý khi chăm sóc hậu phẫu:

– Không được tắm vòi hoa sen xả trực tiếp vào vết thương, không kỳ cọ vết mổ.

– Không ngâm người hay tắm bồn vì biểu bì da tại vết khâu có thể bị mềm ra, làm hở đường chỉ khâu, tăng nguy cơ nhiễm trùng. 

2. Cách chăm sóc vết mổ bị khâu? Khi nào thì có thể tháo băng và chỉ khâu?

Chăm sóc vết mổ bị khâu rất quan trọng, vì nếu chăm sóc không đúng cách, vết thương có thể lâu lành, để lại sẹo xấu, thậm chí là nhiễm trùng. Sau đây là các bước chăm sóc vết khâu hậu phẫu đúng cách:

– Bước 1: Tháo băng gạc cũ.

– Bước 2: Dùng kềm gắp miếng vải hoặc gạc vô khuẩn vào dung dịch nước muối sinh lý.

– Bước 3: Lau hoặc chấm nhẹ lên bề mặt vết thương một cách nhẹ nhàng. Chú ý lau tại mối chỉ, chân sợi chỉ và các đường chỉ may vì đây là nơi có nhiều vi trùng tập trung.

– Bước 4: Tiếp tục lau rửa vùng da quanh vết thương trong bán kính 5cm.

– Bước 5: Lau khô vết mổ. Băng lại bằng vải sạch hoặc gạc sạch.

Thay băng là thao tác quan trọng trong chăm sóc vết mổ

*Lưu ý khi thay băng vết thương sau mổ:

– Luôn vệ sinh tay sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng (trong vòng 15-30 giây và lau khô tay) trước và sau khi tháo băng cũ. Tháo bỏ trang sức trên tay. 

– Sử dụng kìm để gắp gạc, bông gòn, vải mềm. Không nên dùng tay trực tiếp. Nếu không có kìm có thể dùng găng tay y tế sạch để thao tác.

– Không làm bẩn hoặc làm ướt băng gạc.

– Dùng dung dịch sát khuẩn nước muối sinh lý để rửa vết thương hậu phẫu. Không nên dùng xà phòng kháng khuẩn, chất tẩy rửa da, nước oxy già, iot hoặc rượu vì các dung dịch này có thể tiêu diệt mô hạt còn non và làm chậm quá trình lành thương. Các dung dịch này chỉ phù hợp rửa vết thương có dịch mủ, viêm, dơ.

– Để tránh lây nhiễm cho vết thương sau mổ, bạn cần tuân thủ trình tự: Rửa vết thương trước => Rửa vùng da xung quanh sau.

– Trừ khi có chỉ định của bác sĩ, nếu không bạn không được bôi bất kỳ loại kem dưỡng ẩm, kem dưỡng da, dầu hoặc dung dịch thảo dược nào lên vết thương.

Về vấn đề tháo băng và chỉ khâu, bác sĩ phẫu thuật sẽ thông báo cho bạn thời điểm chính xác vào ngày ra viện. Thông thường sau 1 ngày xuất viện, đa số vết mổ đều không cần thay băng, trừ khi vết thương hở và rỉ dịch (bác sĩ sẽ dặn dò). Sang ngày thứ 2, bạn có thể thay băng mới và tiếp tục rửa vết mổ/thay băng mỗi ngày đến khi vết thương cắt chỉ và lành hẳn. 

Hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ dùng chỉ tự tiêu để đóng vết thương. Chỉ tự tiêu sẽ biến mất sau khoảng 7-10 ngày và bạn không cần phải đến gặp bác sĩ để tháo chỉ. 

Tuy nhiên, nếu vết thương hậu phẫu của bạn được khâu bằng chỉ thông thường, bác sĩ sẽ hẹn lịch cắt chỉ cụ thể, trung bình sau khoảng 5-21 ngày kể từ thời điểm mổ, tùy vào vị trí và loại phẫu thuật bạn đã thực hiện. Tuyệt đối không tự cắt chỉ tại nhà nếu bạn không có chuyên môn và kinh nghiệm, vì có thể làm tổn thương vết mổ.

3. Vận động sau mổ như thế nào là đúng cách? Nếu vết mổ bị rỉ máu thì cần phải làm gì?

Sau phẫu thuật, bạn không nên nằm yên trên giường mà có thể đi lại nhẹ nhàng ngay trong ngày đầu tiên rời phòng theo dõi hậu phẫu. Bởi không vận động có thể dễ đến nguy cơ thuyên tắc mạch, tắc ruột, viêm phổi, loét do tì đè… 

Nên vận động nhẹ nhàng sau hậu phẫu

Tuy nhiên, việc cử động và di chuyển cần hết sức cẩn thận, nhẹ nhàng để vết thương không bị ảnh hưởng. Nếu di chuyển mạnh, vết mổ mới khâu còn căng, ngay cả vết khâu bên trong các tạng cũng còn mới nên có thể làm bung chỉ khâu, vết thương toạc ra hoặc hở băng gạc, dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng và trì hoãn quá trình lành thương.

Trường hợp thấy vết thương hậu phẫu bị chảy máu thấm băng, bạn cần thay băng mới ngay và có thể đè ép trên băng vài phút để cầm máu. Nếu đè ép nhưng máu vẫn rỉ ngày càng nhiều, bạn cần đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.

4. Những trường hợp vết thương hậu phẫu nào cần phải báo ngay cho bác sĩ hoặc người có chuyên môn?

Nếu thấy vết mổ sau phẫu thuật có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường dưới đây, bạn phải báo ngay cho bác sĩ và người có chuyên môn hoặc lập tức đến bệnh viện tái khám:

– Vết mổ có mùi hôi.

– Vết thương hậu phẫu đau đớn tăng dần, đau khi đi tiểu.

– Vết mổ sưng nóng, tấy đỏ hoặc vùng da xung quanh bị sưng đau, phù nề, ấn vào thấy phập phều.

– Vết thương tụ máu, chảy máu, chảy mủ (mủ đặc, có màu xanh – vàng) hoặc tăng tiết dịch.

– Cơ thể lừ đừ, mệt mỏi, ớn lạnh, nhiệt độ vượt quá 38.5 độ C trong hơn 4 giờ.

– Chỉ khâu bị bung, vết mổ bị hở, vết thương có vẻ sâu và lớn hơn.

– Bệnh nhân có cảm giác vết mổ bị thít chặt, căng tức.

– Nhịp tim bất thường, buồn nôn và nôn…

Luôn theo dõi các dấu hiệu bất thường của vết mổ

Các dấu hiệu trên cho thấy vết thương sau mổ có thể đã bị nhiễm trùng sau phẫu thuật và bạn không thể tự chăm sóc, điều trị tại nhà được nữa mà cần đến bệnh viện để nhân viên y tế vệ sinh vết thương. Với trường hợp nhiễm trùng nặng, bác sĩ phẫu thuật có thể phải tháo chỉ để thăm dò khả năng nhiễm trùng từ bên trong vết mổ và chỉ định các phương án điều trị nhiễm trùng phù hợp. 

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 10% trên hàng triệu ca phẫu thuật bị nhiễm trùng vết mổ. Đây cũng là một trong các loại nhiễm khuẩn phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới ở bệnh nhân được phẫu thuật. Không chỉ làm chậm quá trình lành thương, kéo dài thời gian nằm viện và tăng nguy cơ tử vong, nhiễm trùng vết mổ còn tạo gánh nặng lớn đối với người bệnh, thân nhân và hệ thống y tế.

Tuy nhiên, nếu biết cách chăm sóc vết thương sau mổ, bạn vẫn có thể hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng, đẩy nhanh quá trình lành thương và loại bỏ cảm giác đau đớn mỗi lần thay băng vết mổ. Một gợi ý được các nhân viên y tế khuyên dùng cho người bệnh và thân nhân tự chăm sóc hậu phẫu tại nhà là sử dụng các dòng băng gạc tiên tiến của Urgo Medical, điển hình là gạc lưới UrgoTul có thể sử dụng xuyên suốt quá trình từ bệnh viện đến lúc về nhà.

Gạc lưới UrgoTul ứng dụng công nghệ TLC độc quyền giúp thay băng không đau và lành thương nhanh chóng.

Băng gạc UrgoTul giúp vết thương hậu phẫu nhanh lành, thay băng không đau

Trên đây là các kiến thức và thông tin hữu ích khi xử lý sơ cứu & chăm sóc vết thương hậu phẫu. Tại Urgo Medical, chúng tôi cung cấp nhiều giải pháp chăm sóc vết thương tai nạn phù hợp với từng tình trạng tổn thương và giai đoạn liền thương. Bạn có thể tham khảo các sản phẩm liên quan đến chăm sóc vết thương tại đây: urgomedical.vn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. https://www.webmd.com/first-aid/surgical-wound-care  
  2. https://www.webmd.com/healthy-aging/features/home-self-care 
  3. https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000040.htm
  4. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/nhiem-khuan-vet-mo-khi-nao-can-phau-thuat
  5. Chăm sóc người bệnh sau mổ – Health Việt Nam
  6. https://healthvietnam.vn/thu-vien/tai-lieu-tieng-viet/dieu-duong/cham-soc-nguoi-benh-sau-mo
  7. MSD và Cẩm nang MSD (Phiên bản dành cho chuyên gia) – https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuy%C3%AAn-gia/%C4%91%E1%BB%91i-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/ch%C4%83m-s%C3%B3c-b%E1%BB%87nh-nh%C3%A2n-ph%E1%BA%ABu-thu%E1%BA%ADt/ch%C4%83m-s%C3%B3c-sau-ph%E1%BA%ABu-thu%E1%BA%ADt 

Leave a Comment