VẾT THƯƠNG MÃN TÍNH LÀ GÌ, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ CHUẨN Y KHOA

Vết thương mãn tính là một trong những gánh nặng y tế có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Với thời gian chăm sóc lên đến nhiều năm liền, vết thương lâu lành không chỉ khiến người bệnh gặp áp lực tài chính mà còn phải chịu những cơn đau kéo dài và đối diện với các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, hoại tử, đoạn chi… 

Vậy vết thương mãn tính là gì? Nguyên nhân vì sao vết thương mãi không lành và đâu là cách chăm sóc phù hợp để đẩy nhanh quá trình lành thương? Bài viết được Urgo Medical biên soạn dưới đây sẽ giải đáp đầy đủ các thắc mắc của bạn dưới góc độ y khoa.

1. Vết thương mãn tính là gì?

Các chuyên gia y tế ví vết thương mãn tính như một loại “dịch bệnh thầm lặng” khi dân số đang ngày càng già hơn, các bệnh lý mạn tính như tiểu đường ngày càng gia tăng và vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn còn tồn tại. 

Để chăm sóc tốt các vết thương khó lành, bạn cần hiểu rõ về đặc điểm, cách nhận diện và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lành thương. 

  •  Thế nào là vết thương mãn tính?

Dưới góc độ y khoa, vết thương là: “Sự gián đoạn của mô một khoảng lớn hay nhỏ, có thể ảnh hưởng đến da, niêm mạc hoặc các cơ quan”. Nói một cách dễ hiểu, đó là sự cắt đứt hay dập rách da, tổ chức dưới da và các tổ chức khác của cơ thể.

Trung bình, một vết thương hở có thể cần từ 4-14 ngày để lành lại, nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, có một số vết thương mãi không lành, được gọi là vết thương mãn tính (vết thương mạn tính), với thời gian liền thương kéo dài từ vài tháng lên đến hàng năm (thường từ 1-3 năm). 

Sau đây là cách nhận diện một vết thương mãn tính:

– Là vết thương không liền trong phạm vi thời gian sinh học 6 tuần.

– Vết thương gặp tình trạng rối loạn quá trình tái tạo phục hồi, có sự tăng số lượng vi khuẩn và ít có biểu hiện lâm sàng của nhiễm trùng. 

=> Xem thêm: Quá trình lành thương để hiểu rõ hơn về cơ chế sinh lý của một vết thương.

1.2. Đặc điểm của một vết thương lâu lành

– Chậm khép kín miệng vết thương.

– Chứa các chất hoại tử, mủ.

– Viêm các mạng lưới mao mạch.

– Lưu thông động mạch kém…

1.3. Đối tượng dễ bị vết thương mạn tính

Thông thường, những nhóm đối tượng dưới đây sẽ dễ gặp vết thương mãn tính hơn các đối tượng bình thường khác:

– Người lớn tuổi.

– Người có thể trạng kém, suy mòn suy kiệt…

– Người bị các vết thương ngoại khoa có biến chứng, bị vết bỏng nặng, bị vết thương nặng do tai nạn…

– Bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh lý miễn dịch da, bệnh lý mạch máu, xạ trị, tỳ đè, AIDS…

1.4. Vì sao vết thương lâu lành?

Có nhiều nguyên nhân khiến vết thương mãi không lành. Tuy nhiên các yếu tố ảnh hưởng dưới đây được cho là phổ biến khiến quá trình liền thương diễn ra chậm hơn so với tốc độ tự nhiên:

– Thiếu dinh dưỡng, tuần hoàn kém, suy giảm miễn dịch.

– Nhiễm trùng (sự sinh sôi của vi khuẩn) do tụ máu vết thương, nhiễm trùng nặng ở vết thương động vật cắn, hoặc khâu xử lý vết thương chậm trễ…

– Bệnh lý gây ra một số rối loạn như: rối loạn quá trình lành thương, rối loạn ức chế hệ thống miễn dịch, rối loạn tổng hợp collagen, tiểu đường…

– Sử dụng thuốc không đúng cách, không theo kê đơn của bác sĩ. Ví dụ như: thuốc chống đông máu, thuốc kháng tiểu cầu, thuốc kháng viêm (corticosteroid, thuốc ức chế miễn dịch) … đều có thể làm chậm quá trình liền thương.

– Sử dụng nhiều chất kích thích (hút thuốc lá, bia rượu). Nằm nhiều, vận động ít.

– Chế độ chăm sóc vết thương chưa phù hợp: Kỹ thuật xử lý vết thương, độ ẩm, máu nuôi, cách thay băng…

Ngoài ra, yếu tố di truyền và tuổi tác cũng là một trong những yếu tố khiến vết thương lâu lành

2. Các loại vết thương mãn tính thường gặp

Theo các chuyên gia y tế đầu ngành, 8 loại vết thương mãn tính dưới đây rất thường gặp:

– Loét vô lực

– Loét cẳng chân mạn tính

– Loét do thiếu máu cục bộ chi dưới

– Dò hậu môn

– Vết loét tì đè (loét giường, loét do áp lực)

– Vết loét tĩnh mạch, loét động mạch…

– Rò vết thương do lao.

– Loét bàn chân do đái tháo đường (bàn chân tiểu đường)

3. Cách chăm sóc vết thương mạn tính

Đối với vết thương lâu lành, mục đích của việc điều trị chính là:

LÀM SẠCH & LÀM LIỀN VẾT THƯƠNG

GIẢM NHẸ TRIỆU CHỨNG

Mỗi loại vết thương mạn tính khác nhau sẽ có cách chăm sóc, điều trị khác nhau. Tuy nhiên, đa số các vết thương mãn tính thường đi kèm với triệu chứng nhiễm trùng và có nhiều mô hoại tử. Do đó, quá trình điều trị thường kèm theo cắt lọc vết thương và đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ, phức tạp.

Về cơ bản, để một vết thương mãn tính nhanh lành, cần phải đưa vết thương này trở lại quy trình lành thương bình thường, bằng cách chỉnh sửa lại nền vết thương dựa trên 5 yếu tố:

  • Kiểm soát, quản lý mô tại vết thương.
  • Kiểm soát viêm và nhiễm trùng.
  • Cân bằng độ ẩm.
  • Cải thiện bờ vết thương, biểu mô hóa.
  • Bảo vệ vùng da xung quanh vết thương.

 Các phương pháp điều trị và chăm sóc thường được áp dụng bao gồm: 

  • Thay băng hàng ngày
  • Đắp gạc tẩm kháng sinh
  • Liệu pháp Laser
  • Sử dụng tế bào gốc
  • Ghép da, chuyển vạt da…

Trong đó, thay băng đóng một vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình lành thương. Tuy nhiên, đa số các dòng băng gạc truyền thống khi thay băng sẽ bị dính vào vết thương, gây tổn hại nền vết thương và khiến người bệnh đau đớn. Mỗi lần thay băng như vậy không khác gì “cực hình”, thậm chí có thể tạo thêm một vết thương mới trên nền vết thương cũ.

Ngoài ra, nếu quan điểm lành thương truyền thống cho rằng môi trường khô giúp vết thương tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, thì khái niệm lành thương hiện đại lại trái ngược hoàn toàn. Theo một nghiên cứu được chứng minh lâm sàng tại Mỹ: “Vết thương được điều trị trong môi trường ẩm sẽ kích thích quá trình biểu bì hóa cũng như giảm hình thành sẹo so với vết thương để khô. Môi trường ẩm được hình thành khi 1 băng gạc không thấm phủ lên trên nền vết thương và duy trì 1 lượng ẩm có kiểm soát”.

=> Từ các điểm hạn chế của băng gạc truyền thống và kết quả nghiên cứu lâm sàng hiện đại, Urgo Medical đã phát triển các dòng băng gạc tiên tiến ứng dụng công nghệ độc quyền TLC với ưu điểm: Tạo môi trường ẩm – Thay băng không đau – Lành thương nhanh chóng.

Đây là một bước tiến mang tính cách mạng trong chăm sóc vết thương, đặc biệt là vết thương mãn tính khó lành. Bạn có thể tìm hiểu các sản phẩm chăm sóc vết thương tiêu biểu của Urgo Medical tại đây.

4. Các lưu ý cần nhớ để vết thương mãn tính nhanh lành

“Quy luật chắc chắn ứng dụng cho sự liền vết thương và mô bị tổn thương là bạn phải theo tự nhiên chứ tự nhiên sẽ không bao giờ theo sau bạn” là câu nói nổi tiếng của bác sĩ người Thuỵ Sĩ tên Paracelsus. Vì thế, khi chăm sóc vết thương mạn tính, bạn cần chú ý những vấn đề sau:

– Khám ngay nếu vết thương có các dấu hiệu sau: chảy máu, ngày càng đau đớn, có mủ chảy ra từ vết thương, sốt…

– Vết thương viêm loét lâu lành luôn tiết dịch nên cần thay băng hàng ngày. 

– Giữ ẩm vết thương sẽ kích thích quá trình lành thương, nhưng cần phân biệt rõ với làm ướt vết thương.

– Tuân thủ đúng lộ trình điều trị của bác sĩ để tránh vết thương mãn tính bị biến chứng nhiễm trùng, hoại tử… 

– Không sử dụng các thuốc có thể cản trở quá trình lành thương tự nhiên của cơ thể, ví dụ như thuốc chống viêm (trừ khi có chỉ định từ bác sĩ).

– Nếu không có chỉ định, bạn không nên dùng dung dịch sát khuẩn bôi lên vết thương vì dung dịch sát khuẩn tuy là hàng rào bảo vệ vết thương tránh vi khuẩn xâm nhập, nhưng cũng có nguy cơ làm tổn thương mô hạt.

– Bổ sung đầy đủ các nhóm chất cần thiết như chất xơ, đạm, vitamin và khoáng chất từ trái cây, rau củ quả tươi… Đặc biệt là các món nhiều vitamin C để thúc đẩy cơ thể tạo ra collagen.

– Kiêng ăn rau muống và các thực phẩm tanh như tôm, cua… Hạn chế hút thuốc lá, kiêng sử dụng bia rượu, chất kích thích.

– Tập thể dục nhẹ nhàng để tăng lưu thông máu, đẩy nhanh tốc độ lành thương. 

– Thay băng cẩn thận, tránh làm người bệnh đau đớn hoặc gây tổn thương nền vết thương vốn đã khó lành. 

Để chọn sản phẩm chăm sóc vết thương phù hợp, bạn có thể tìm hiểu các dòng băng gạc tiên tiến của Urgo Medical tại đây. Hoặc đến các nhà thuốc gần nhất để mua sản phẩm và nhận lời khuyên từ dược sĩ.

*Tài liệu tham khảo:

  1. Tài liệu của Bác sĩ: PHẠM TRẦN XUÂN ANH – Khoa Ngoại BỎNG – TẠO HÌNH. Bệnh viện ĐÀ NẴNG
  2. Các yếu tố gây chậm liền vết thương – MSD và Cẩm nang MSD (Phiên bản dành cho chuyên gia)

https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/multimedia/table/v1109899_vi 

  1. Tài liệu của BS. Nguyễn Đình Vân, Bác sĩ chuyên khoa II Trần Đoàn Đạo và các tài liệu L&R
  2. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/wounds-how-to-care-for-them

Leave a Comment