Vết thương tai nạn: Phân loại và cách sơ cứu

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta phải đối mặt với các rủi ro không mong muốn dẫn đến thương tích, và tai nạn là một trong những lý do chính gây ra các vết thương nguy hiểm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách xử lý sơ cứu & chăm sóc vết thương tai nạn, đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp như nạn nhân chảy quá nhiều máu hoặc có dị vật đâm sâu vào bên trong.

Để tránh “bị động” trước các trường hợp tai nạn cần sơ cứu khẩn cấp, bạn có thể tìm hiểu và cập nhật kiến thức xử lý sơ cứu vết thương tai nạn & một số thông tin cơ bản về cách chăm sóc vết thương do tai nạn gây ra.

1. Tai nạn là gì? Các vết thương thường gặp do tai nạn

Theo Wikipedia, tai nạn là “Chấn thương không chủ ý hoặc có chủ ý, là một sự kiện không mong muốn, ngẫu nhiên và không biết trước, dẫn đến thiệt hại cho người và vật”.

Xét về nguyên nhân phổ biến gây tai nạn, có thể phân tai nạn thành 3 nhóm chính: 

– Tai nạn giao thông: Là tai nạn xảy ra bất ngờ khi tham gia giao thông.

– Tai nạn lao động: Là tai nạn xảy ra bất ngờ trong quá trình làm việc.

– Các loại tai nạn khác: đuối nước, té ngã, giật điện, nhiễm độc, đổ vỡ công trình, chấn thương khi chơi thể thao…

Xét trên các tiêu chí khác nhau, tai nạn còn được phân thành 3 loại như sau:

– Dựa trên quy mô, số lượng nạn nhân thương vong: thảm họa, nhiều, đơn lẻ.

– Dựa trên mức độ nghiêm trọng của tai nạn (thương vong): ngạt khí, bỏng, chiếu xạ, nhiễm độc, chấn thương cơ học.

– Dựa trên hoạt động của con người: tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, cháy nổ/ đổ vỡ công trình, tai nạn khi leo núi/ khi chơi thể thao/ săn bắn…

Không phải tất cả nhưng hầu như đa số tai nạn đều dẫn đến vết thương hở. Đó có thể là vết trầy xước, vết rách, vết cắt, vết bị đâm thủng và chảy máu… Vì sự cọ xát khi xảy ra tai nạn thường gây xước lớp biểu mô, làm lộ lớp biểu bì và lớp bì; thậm chí tổn thương có thể sâu hơn đến các lớp gân, cơ, dây thần kinh, mạch máu, nội tạng…

2. Các bước xử lý vết thương tai nạn

Khi xử lý vết thương xảy ra do tai nạn, chúng ta cần hết sức thận trọng để đảm bảo 3 mục đích sơ cứu:

– Cứu sống nạn nhân (preserve life)

– Ngăn ngừa diễn biến nặng (prevent further harm)

– Tạo thuận lợi cho quá trình hồi phục (promote recovery)

Sau đây là các bước thực hiện sơ cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông được chia sẻ bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Đức Lượng. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng bước đầu tiên khi thấy người bị nạn là gọi cấp cứu ngay lập tức.

Bước 1: Dùng phương tiện bảo hộ (găng tay)

Trước khi sơ cứu vết thương tai nạn, bạn nên dùng phương tiện bảo hộ để tránh nguy cơ lây nhiễm cho chính bạn và nạn nhân. Nếu có sẵn, hãy đeo găng tay dùng 1 lần, nếu không bạn có thể dùng túi nhựa để bọc tay lại hoặc dùng nhiều lớp vải để ngăn cách không cho máu nạn nhân tiếp xúc trực tiếp với bạn.

Trường hợp không có phương tiện bảo hộ, bạn phải cố gắng rửa sạch tay ngay trước và sau khi tiếp xúc với nạn nhân. Nhìn chung, bằng mọi cách, hãy cố gắng giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp giữa tay của bạn và dịch/máu của nạn nhân.

🡺 Lưu ý: Nếu nghĩ rằng mình có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, bạn không cần phải chạm vào nạn nhân mà nên chờ hỗ trợ khẩn cấp từ đơn vị cấp cứu.

Bước 2: Bộc lộ vùng tổn thương (tìm các vết thương do tai nạn)

Bước tiếp theo bạn cần xử lý là cởi bỏ quần áo nạn nhân ở phạm vi xung quanh khu vực cơ thể bị ảnh hưởng, nhằm xác định chính xác vết thương để tiến hành điều trị. Đôi khi máu, quần áo, các chất dịch khác hoặc bùn đất có thể che khuất các tổn thương. Hãy thực hiện bước này nhẹ nhàng, tránh đau đớn thêm cho nạn nhân, nhưng vẫn không bỏ sót các vết thương do tai nạn gây ra.

Bước 3: Tiến hành cầm máu

Cầm máu vết thương tai nạn là một bước rất quan trọng trong quá trình xử lý sơ cứu cho nạn nhân, để tránh tình trạng mất máu. Vật liệu dùng để cầm máu nên là chất liệu sạch và có thể thấm hút tốt, ví dụ như: băng sạch, gạc vô trùng, áo hoặc khăn sạch. Theo đó:

– Nếu vết thương vẫn còn dị vật bên trong, bạn hãy ấn mạnh xung quanh nó, vì máu sẽ chảy chậm lại khi có áp lực lên vết thương.

– Nếu có sẵn các vật liệu sơ cứu, bạn hãy ép/đè ấn vết thương bằng bông, gạc và dây băng. Sau khi băng ép xong, không nên tháo hoặc nhấc băng ra vì có thể làm gián đoạn quá trình đông máu và khiến máu chảy lại. Trường hợp máu thấm ướt băng, bạn cần đắp thêm vải/gạc lên trên vị trí đã băng ép. 

– Nếu không có vật liệu để buộc và cố định băng gạc tại chỗ, bạn hãy dùng tay ấn tiếp tục lên vùng vết thương tai nạn đã được đắp băng gạc, để giúp máu đông lại.

– Nếu vết thương chảy quá nhiều máu, một tay bạn đè lên vết thương, tay còn lại đè lên gốc động mạch cấp máu đến khu vực vết thương. Chẳng hạn với vết thương ở chân, bạn hãy đè ở bẹn hoặc sau đầu gối; nếu vết thương ở cánh tay, bạn cần ấn vào dưới nách hoặc đè vào bên trong cánh tay (ngay trên phần khuỷu tay).

🡺 Lưu ý: 

– Nếu có thể, hãy nâng vùng bị tổn thương cao hơn so với tim, vì như vậy sẽ làm giảm áp lực máu tới khu vực này.

– Khi cầm máu vết thương do tai nạn, bạn không được sử dụng garo (biện pháp cầm máu tạm thời bằng dây vải hoặc dây cao su xoắn chặt vào đoạn chi để máu ngừng lưu thông từ trên xuống dưới chi), trừ trường hợp đây là giải pháp cuối cùng để cứu sống nạn nhân. 

Khi thực hiện, bạn cũng cần phải nắm rõ cách dùng cũng như thời điểm sử dụng garo phù hợp, vì nếu sử dụng garo không đúng cách có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng hơn, thậm chí là mất chi. Do đó, khi đã áp dụng biện pháp garo, bạn cần ghi nhớ cụ thể thời điểm thực hiện để báo cho nhân viên y tế xử lý kịp thời khi họ vừa tiếp cận nạn nhân.

Bước 4: Băng vết thương tai nạn

Băng vết thương là bước quan trọng cuối cùng trong sơ cứu. Việc che vết thương bằng các vật liệu sạch không chỉ giúp cầm máu, mà còn có tác dụng ngăn ngừa nhiễm khuẩn. 

Trường hợp vật đâm hoặc các dị vật vẫn nằm trong vết thương, bạn cần băng ép vết thương xung quanh lại, đồng thời cố định vật đâm tốt nhất có thể để đảm bảo chúng không di chuyển. Không chỉ vậy, vai trò của vật đâm lúc này cũng có tác dụng ngăn chảy máu, do đó không nên đẩy nó vào sâu bên trong cũng không nên kéo ra ngoài. Cách tốt nhất là cố định dị vật và chờ hỗ trợ khẩn cấp từ các nhân viên y tế có chuyên môn xử lý. 

Nếu vết thương xảy ra ở ngực, khi băng bó cần hết sức cẩn thận. Bạn có thể dùng túi nhựa, màng dính, giấy bạc nhà bếp, kể cả thẻ ngân hàng để băng/dán. Tuy nhiên khi băng vết thương, bạn chỉ nên băng dán 3 cạnh vật che vết thương và vẫn để lại 1 cạnh không dán. Cách này giúp không khí trong màng phổi có thể thoát ra từ cạnh không dán, nhưng vẫn ngăn được không khí từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào khoang màng phổi.

Với các vết thương tiết diện nhỏ, bạn có thể sử dụng băng gạc UrgoTul để băng vết thương. UrgoTul ứng dụng công nghệ TLC độc quyền sẽ giúp thay băng không đau, lành thương nhanh chóng.

urgotul

🡺 Sau khi sơ cứu xong, bạn cần chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế hoặc chờ đội cấp cứu đến hỗ trợ.

3. Vết thương tai nạn nên ăn gì và kiêng ăn gì cho mau lành?

Ngoài xử lý sơ cứu và chăm sóc vết thương đúng cách, để vết thương do tai nạn nhanh lành, bản thân người bệnh cũng cần chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp. 

3.1. Thực phẩm giúp vết thương tai nạn nhanh lành, chống nhiễm khuẩn

– Thực phẩm giàu sắt, vitamin B12, acid folic có tác dụng thúc đẩy quá trình tạo máu: các loại rau có màu xanh đậm, các loại thịt, trứng, gan, sữa…

– Thực phẩm chứa nhiều kẽm và selen giúp chống nhiễm khuẩn và đẩy nhanh quá trình lành thương: trứng, ngũ cốc, cá, thịt gia cầm, sò, ốc…

– Thực phẩm dồi dào vitamin nhóm B, vitamin A, vitamin E với công dụng thúc đẩy quá trình tạo mô mới; và thực phẩm chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng, chống nhiễm trùng: thanh long, đu đủ, cam, quýt, bưởi, các loại rau lá xanh đậm…

– Thực phẩm giàu đạm (protein) là nguyên liệu chính để tạo ra các tế bào mới: trứng, lươn, tép, thịt, cá, các loại đậu…

3.2. Thực phẩm nên kiêng để vết thương do tai nạn mau lành

Theo quan niệm dân gian, các món ăn có mùi tanh sẽ khiến vết thương bị sưng tấy, mưng mủ, chảy nước hoặc gây sẹo lồi lõm. Vì thế, một số người khi bị vết thương thường có xu hướng kiêng ăn hải sản (tôm, cua, cá biển), rau muống, thịt bò…

Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu nào cho thấy các món ăn này làm chậm lành thương hay khiến vết thương bị nhiễm trùng, chảy mủ. Do đó, khi bị vết thương tai nạn, Bác sĩ thường chỉ khuyên người bệnh kiêng ăn các món mà họ bị dị ứng. Vì khi ăn thực phẩm dị ứng, cơ thể có bị ngứa, nổi mề đay, sưng mí mắt, khó thở… Các biểu hiện của dị ứng có thể sẽ làm tăng hiện tượng viêm tại chỗ vết thương, khiến vùng tổn thương tạo mủ nhiều hơn.

Trong trường hợp bị vết thương hở, người bệnh cũng nên hạn chế ăn đường hoặc thực phẩm có chứa hàm lượng đường quá cao, vì đường có thể tác động đến collagen ở bề mặt lớp biểu bì khiến quá trình lành thương bị chậm lại.

Trên đây là các kiến thức và thông tin hữu ích khi xử lý sơ cứu & chăm sóc vết thương tai nạn. Tại Urgo Medical, chúng tôi cung cấp nhiều giải pháp chăm sóc vết thương tai nạn phù hợp với từng tình trạng tổn thương và giai đoạn liền thương. Bạn có thể tham khảo các sản phẩm liên quan đến chăm sóc vết thương tại đây: www.urgomedical.vn.

  1. Cách xử lý vết thương tai nạn giao thông (Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Đức Lượng – Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City): https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/cach-xu-ly-vet-thuong-tai-nan-giao-thong

– Gina M. Piazza et all: Penetrating chest wound, First aid manual: the step by step guide for everyone, Fifth edition first published in the United States in 2014 by DK Publishing, 4th floor, 345 Hudson Street, New York, NY 10014

– Ali Raja, Richard D Zane: Initial management of trauma in adults; up to date, last updated: Oct 01, 2019. https://www.uptodate.com/contents/initial-management-of-trauma-in-adults.

– Tom Blackwell: Prehospital care of the adult trauma patient; Up to date, last updated: May 06, 2020. https://www.uptodate.com/contents/prehospital-care-of-the-adult-trauma-patient?search=prehospital%20management%20of%20the%20adult%20trauma%20patient&source=search_result&selectedTitle=1~131&usage_type=default&display_rank=1.

  1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tai_n%E1%BA%A1n
  2. https://tuoitre.vn/dinh-duong-giup-mau-lanh-vet-thuong-20180227111628202.htm
  3. https://bvnguyentriphuong.com.vn/dieu-duong/cham-soc-vet-thuong-phan-1